Công nghệ Blockchain không chỉ được ứng dụng trong lĩnh vực tiền ảo mà nó còn được áp dụng trong rất nhiều lĩnh vực trên thực tiễn khác. Hãy cùng Twendee tìm hiểu một số ứng dụng blockchain phổ biến trong bài viết dưới đây!
Blockchain là gì? Ứng dụng blockchain trong một số lĩnh vực
Blockchain là nền tảng công nghệ mà ở đó thông tin được lưu trữ trong các khối, các khối này được liên kết với nhau bằng “mã hóa” tạo thành một chuỗi. Mỗi khối trong hệ thống Blockchain sẽ được liên kết với khối trước đó, chứa thông tin về thời gian khởi tạo khối kèm một mã thời gian và dữ liệu giao dịch.
Bản chất mô hình hoạt động của Blockchain là cuốn sổ cái điện tử được phân phối trên hệ thống máy tính phi tập trung, lưu trữ mọi thông tin về các giao dịch và đảm bảo những thông tin đó gần như không thể bị thay đổi. Mọi dữ liệu được lưu trên sổ cái cần phải được xác nhận bởi hàng loạt máy tính trong mạng lưới chung.
Nguyên lý hoạt động của Blockchain
Dữ liệu: Mỗi mạng lưới Blockchain khác nhau, dữ liệu được lưu trữ sẽ là các loại thông tin khác nhau.
Hash (hàm băm) của khối hiện tại: Đây là mật mã dùng để làm đặc điểm nhận dạng cho các khối. Mỗi khối có một hàm băm duy nhất và được xem như dấu vân tay của con người. Khi có bất kỳ sự thay đổi nào trong khối thì hàm băm cũng thay đổi.
Hash (mã băm) của khối trước: Đây là hàm băm giúp các khối có thể liên kết được với nhau và tạo thành một chuỗi. Khi hàm băm của một khối nào đó bị thay đổi, ngay lập tức sẽ tạo ra sự bất thường trong chuỗi, nhờ đó có thể giúp dễ dàng phát hiện các sai lệch hoặc các hành vi cố tình bẻ khóa Blockchain.
Ngoài ra, khối đầu tiên trong Blockchain không được liên kết với bất kỳ khối nào trước đó nên được gọi là “Khối nguyên thuỷ”.
Lợi ích của công nghệ Blockchain
Những lợi ích tuyệt vời mà Blockchain mang lại là lí do chính khiến những ứng dụng blockchain ngày càng trở nên phổ biến.
Tính phân tán
Những khối bao gồm dữ liệu giống nhau, nhưng được phân phát ở những nơi khác nhau. Vì vậy, dữ liệu sẽ vẫn còn nguyên nếu khối ở một vài nơi bị mất hay hỏng.
Tính phi tập trung
Công nghệ blockchain được vận hành độc lập theo thuật toán máy tính và hoàn toàn không nằm trong tầm kiểm soát của bất kì cơ quan tổ chức nào. Vì vậy, công nghệ blockchain có thể tránh được những rủi ro hay sự can thiệp của các bên thứ 3.
Tính bất biến
Một khi dữ liệu được đưa vào blockchain, nó sẽ không thể bị thay đổi hoặc điều chỉnh mà sẽ được lưu trữ mãi mãi bởi vì đặc trưng của thuật toán đồng thuận và mã băm.
Hợp đồng thông minh
Những hợp đồng thông minh là những hợp đồng kĩ thuật số được tạo ra bởi một đoạn code If- this- then- that (IFTTT) trong một hệ thống công nghệ. Những hợp đồng này cho phép blockchain tự thực thi mà không cần đến bên thứ ba. Những điều khoản được viết trong hợp đồng thông minh khi kết hợp với những điều kiện trước sẽ được thực thi và không ai có thể dừng hoặc hủy chúng.
Tính minh bạch
Việc giao dịch được ghi lại và mọi người đều có thể nhìn thấy chúng. Vì vậy, lịch sử giao dịch có thể được kiểm tra và khôi phục. Mọi người thậm chí còn có thể chia sẻ quyền để cho phép người khác truy cập vào một phần thông tin của Blockchain.
Không thể phá vỡ hoặc giả mạo
Theo lí thuyết, chỉ có máy tính lượng tử có thể can thiệp và giải mã blockchain. Blockchain có thể hoàn toàn bị phá hủy khi Internet không còn tồn tại trên thế giới, nhưng tất nhiên điều này là không thể.
Ứng dụng Blockchain trong sản xuất
Ứng dụng Blockchain được dùng để cải thiện năng suất cho dây chuyền sản xuất bằng các thiết bị thông tin, máy móc, phần mềm đảm nhiệm vai trò tối ưu quy trình, quản lí dữ liệu, quản lí phân phối… Một số ứng dụng của công nghệ Blockchain vào sản xuất:
- Quản lý các kho bãi sản xuất và hàng tồn kho
- Kiểm soát xuất xứ nguồn cung nguyên liệu ở các chuỗi cung ứng
- Theo dõi hàng mua và hàng bán ra trong quy trình sản xuất
- Kiểm tra nguồn gốc hàng hóa, nguyên vật liệu đầu vào
Với những ưu điểm tuyệt vời của mình, blockchain mang đến cho ngành sản xuất nhiều lợi ích lớn. Nhờ có ứng dụng blockchain, lịch sử giao dịch hàng hóa trở nên minh bạch rõ ràng hơn. Bên cạnh đó, việc theo dõi hoạt động trong sản xuất cũng dễ dàng hơn, công nghệ này cho phép công ty trao đổi dữ liệu, hiển thị nguồn thông tin gốc chính xác và tiến trình hoạt động của các chuỗi cung ứng phức tạp, gồm nhiều bên tham gia. Ứng dụng Blockchain cũng bảo vệ tài sản trí tuệ quan trọng trong ngành sản xuất. Chẳng hạn, trong trường hợp có tranh chấp bằng sáng chế, doanh nghiệp có thể sử dụng công nghệ blockchain để chứng minh sự sở hữu tài sản trí tuệ đó. Ứng dụng Blockchain thiết lập các kênh an toàn, nhằm bảo mật hồ sơ, bằng chứng cho việc chia sẻ tài sản trí tuệ của doanh nghiệp. Ngoài ra, công nghệ này cũng giúp đơn giản hóa thủ tục bảo vệ và kiểm tra chất lượng sản phẩm.
Ứng dụng Blockchain trong giáo dục
Công nghệ Blockchain được nhiều chuyên gia trên thế giới đồng ý là “Ánh sáng của tương lai” bởi những lợi ích tuyệt vời của nó. Nhiều quốc gia trên thế giới đã bắt đầu ứng dụng blockchain vào nền giáo dục để giảng dạy ở mức độ phổ cập. Một trong những công việc có thể ứng dụng blockchain vào đó là quản lý học tập. Tất cả dữ liệu liên quan đến công việc học tập đều sẽ được lưu trữ dưới Blockchain 1 cách minh bạch, rõ ràng, bất biến. Quá trình này sẽ hạn chế được tối đa các vấn đề gian lận về điểm hay bằng cấp trong giáo dục.
Bên cạnh đó, công nghệ blockchain còn là cầu nối giữa học viên và nhà tuyển dụng. Các nhà tuyển dụng có thể dễ dàng xem xét thông tin của học viên, cái mà đã được lưu trữ trên blockchain, để chọn ra ứng viên phù hợp nhất. Ngược lại, ứng viên cũng có thể theo dõi thông tin của các doanh nghiệp tuyển dụng và chia sẻ thông tin trong ID của mình. Thực tế, tại San Francisco, trường Holberton đã thông báo dự án quản lý sinh viên dựa trên nền tảng Blockchain vào năm học mới. Ông Sylvain Kalache, đồng sáng lập trường Holberton, chia sẻ: “Việc ứng dụng blockchain cũng sẽ giúp nhà trường tiết kiệm chi phí trong việc xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu riêng của mình”.
Ứng dụng Blockchain trong lĩnh vực tài chính ngân hàng
Hoạt động thanh toán và chuyển tiền
Bằng cách cho phép thanh toán ngang hàng, Blockchain có thể giảm chi phí và rủi ro giao dịch trong khi mang lại các khoản thanh toán theo thời gian thực, tăng tính minh bạch và khả năng truy xuất nguồn gốc. Với những lợi ích không thể phủ nhận này, không có gì ngạc nhiên khi cả ngân hàng trung ương và các tổ chức tư nhân đã bắt đầu ứng dụng Blockchain vào lĩnh vực hoạt động.
Trên thực tế, hoạt động thanh toán tiền tệ xuyên biên giới không chỉ gắn với các giao dịch kinh doanh, trong đó chuyển tiền cũng chiếm một lượng đáng kể trong việc chuyển tiền xuyên biên giới. Trong bối cảnh này, sự kết hợp chặt chẽ giữa hệ thống Blockchain và công nghệ di động có khả năng đưa hàng tỷ USD đến với nhiều hộ gia đình ở các nước đang phát triển, từ đó khoảng cách giữa các nước nghèo và nước giàu có hơn được giảm đáng kể.
Theo kết quả khảo sát của Công ty Tư vấn Accenture, hơn 50% các nhà quản lý hàng đầu hiện nay đã thừa nhận ứng dụng Blockchain giữ vai trò quan trọng đối với sự thành công của các ngân hàng cũng như công ty tài chính. Công nghệ này cho phép hệ thống ngân hàng tiết kiệm nhân lực, giảm bớt các thủ tục rườm rà, và đẩy nhanh tốc độ xử lý các giao dịch… Họ tin rằng, trong tương lai, các ứng dụng Blockchain sẽ dần dần thay thế các nghiệp vụ cơ bản của ngân hàng.
Hoạt động tín dụng
Tín dụng là một lĩnh vực khác mà ứng dụng Blockchain có thể thay đổi mạnh mẽ hoạt động hiện tại. Đối với hoạt động tín dụng của các ngân hàng thương mại, sự kém hiệu quả của hệ thống thông tin tín dụng chủ yếu là do dữ liệu khan hiếm và chất lượng thông tin kém nên khó phán đoán khả năng tài chính của cá nhân. Ngoài ra, khó khăn trong việc chia sẻ dữ liệu của các bên có liên quan và quyền sở hữu dữ liệu người dùng không rõ ràng, dẫn đến các lo ngại về quyền riêng tư và bảo mật cũng là những nguyên nhân gây ra sợ thiếu hiệu quả của thông tin tín dụng.
Hiện nay, ứng dụng Blockchain có thể cung cấp một số hỗ trợ giải quyết những vấn đề này. Thật vậy, thông qua ứng dụng định danh khách hàng (KYC – Know Your Customer), các ngân hàng lưu trữ thông tin khách hàng trong cơ sở dữ liệu của riêng họ và sau đó sử dụng công nghệ blockchain để tải lên thông tin tóm tắt để lưu trữ trong hệ thống Blockchain. Khi có các yêu cầu truy vấn, nhà cung cấp dữ liệu gốc có thể được thông báo bằng cách sử dụng Blockchain và truy vấn đó có thể được thực hiện. Do đó, tất cả các bên có thể tìm kiếm dữ liệu lớn bên ngoài, đồng thời không tiết lộ dữ liệu kinh doanh cốt lõi của họ.
Khi nói đến chấm điểm tín dụng, thị trường dữ liệu có thể đại diện cho người cho vay và người đi vay, thông qua đó thông tin được trao đổi một cách an toàn. Thị trường dữ liệu về cơ bản là các hệ thống tập trung, do đó yêu cầu các bên liên quan khác nhau tin tưởng vào bên thứ ba quản lý dữ liệu của họ. Điều này chứng tỏ những dữ liệu được sử dụng để chấm điểm tín dụng là những dữ liệu rất nhạy cảm và có giá trị tiềm năng. Trong bối cảnh này, ứng dụng Blockchain có thể được tận dụng để tạo ra thị trường dữ liệu đáng tin cậy thông qua các nhà cung cấp thông tin, những người đi vay và người cho vay, đồng thời đảm bảo nguồn gốc và tính toàn vẹn của dữ liệu. Do đó, các hệ thống Blockchain hỗ trợ cải thiện quy trình chấm điểm tín dụng, từ đó giảm tỷ lệ rủi ro và mang lại các lợi ích kinh tế chắc chắn.
Giao dịch liên ngân hàng
Trước kia, khi các ứng dụng Blockchain chưa xuất hiện thì các giao dịch liên ngân hàng sẽ mất vài ngày để thực hiện bởi quá trình giao dịch quốc tế cần thông qua bên trung gian. Vì vậy, điều này gây mất nhiều thời gian và chi phí.
Khi hệ thống ngân hàng ứng dụng Blockchain thì các giao dịch tương tự sẽ được giải quyết trực tiếp. Điều này có nghĩa là các ngân hàng sẽ không cần dựa vào mạng lưới dịch vụ lưu ký và cơ quan quản lý như SWIFT, mà họ có thể giải quyết các yêu cầu trực tiếp qua ứng dụng Blockchain một cách công khai.
Ứng dụng Blockchain trong nông nghiệp
Blockchain là một sổ cái bao gồm các tài khoản và các giao dịch được viết và lưu trữ bởi những người tham gia. Đây là công nghệ đáng tinh cậy, mở ra cơ hội phát triển cho các trang trại, kho hàng và thực thi hợp đồng nông nghiệp. Dưới đây là một số ứng dụng blockchain điển hình trong doanh nghiệp:
Bảo hiểm nông nghiệp
Tập trung vào dữ liệu xác thực nếu có sự biến động và ảnh hưởng, các bên thứ 3 sẽ cung cấp các dữ liệu quan trọng để đưa ra quyết định bảo hiểm cho người nông dân. Các thông tin đó có thể là thông tin thời tiết. Công nghệ blockchain cung cấp mã hóa khóa riêng là một công cụ mạnh mẽ cung cấp các yêu cầu xác thực. Do đó, nó có thể liên kết dữ liệu của việc trồng và thu hoạch các sản phẩm nông nghiệp một cách an toàn và không thể thay đổi thông tin đó.
Trên thực tế, Arbol3 là một nhà cung cấp bảo hiểm cây trồng thông minh. Tại đây, một nông dân có thể đề xuất một hợp đồng bao gồm thanh toán phí bảo hiểm, xuất chi và sự kiện thời tiết kích hoạt thanh toán. Sau đó, một nhà đầu tư, đóng vai trò là đối tác có thể đồng ý với hợp đồng được đề xuất đó. Các khoản thanh toán ban đầu và cuối cùng được thực hiện bằng Ether.
Nông nghiệp thông minh
Một nền nông nghiệp thông minh dựa trên việc số hoá, kiểm soát và điều chỉnh các yếu tố ảnh hưởng của môi trường, thuốc cho cây trồng, vật nuôi, cho tới chế độ ăn uống… Các thiết bị hỗ trợ cần được kết nối và truyền thông tin liên tục để đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin cho hệ thống xử lý. Các thông tin này giúp các chủ nông trại dễ dàng biết được tình hình vận hành, sự tăng trưởng hay thời gian xuất bán sản phẩm của mình dễ dàng hơn thông qua các thiết bị quen thuộc như máy tính, điện thoại di động hay máy tính bảng. Điều này đạt được khi kết hợp giữa IoTs và công nghệ Blockchain. Đây là cơ sở để các chủ trang trại có thể làm căn cứ để truy xuất các thông tin nuôi trồng, nâng cao giá trị sản phẩm. Một mặt khác, các công ty cung ứng vật tư nông nghiệp hiểu rõ hơn, cải tiến sản phẩm và tiếp cận khách hàng.
Chuỗi cung ứng thực phẩm
Chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu đã có những bước phát triển mạnh mẽ nhưng cũng không kém phần phức tạp. Nhiều vấn đề phát sinh đối với thực phẩm như truy xuất nguồn gốc thực phẩm, an toàn và chất lượng thực phẩm, sự tin tưởng thực phẩm và chuỗi cung ứng vận hành không hiệu quả, làm tăng thêm rủi ro cho toàn xã hội, nền kinh tế và sức khỏe của con người.
Việc sử dụng công nghệ blockchain giúp thiết lập mối quan hệ tin cậy giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng. Đồng thời, xây dựng danh tiếng cũng như uy tín cho sản phẩm của họ, bằng cách cung cấp thông tin sản phẩm riêng lẻ trong blockchain một cách minh bạch. Doanh nghiệp có thể đạt được giá trị sản phẩm tốt hơn và do đó tăng khả năng cạnh tranh. Điều này sẽ gây khó khăn cho các nhà cung cấp thiếu uy tín và các sản phẩm chất lượng kém tồn đọng trong thị trường và buộc tất cả các nhà cung cấp phải cải thiện chất lượng sản phẩm trong toàn bộ lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm.
Bên cạnh đó, blockchain cung cấp cho người dùng thông tin xác thực và đáng tin cậy về cách thức thực phẩm được sản xuất và giao dịch. Nó giúp giải quyết mối lo ngại của người tiêu dùng về sự an toàn, chất lượng và thân thiện với môi trường của thực phẩm.
Ứng dụng blockchain còn cho người tiêu dùng khả năng tương tác với nhà sản xuất vì người tiêu dùng có thể hiểu quy trình sản xuất thực phẩm thuận tiện hơn và chi tiết hơn. Nó hỗ trợ người tiêu dùng bằng cách loại bỏ những trở ngại trong việc trao đổi hàng hóa để thắt chặt mối quan hệ của họ, và do đó củng cố niềm tin của người tiêu dùng đối với an toàn thực phẩm. Từ quan điểm của các cơ quan quản lý, blockchain cung cấp thông tin đáng tin cậy và chính xác để họ thực hiện các quy định có hiệu quả.
Qua bài viết vừa rồi, Twendee vừa chia sẻ tới bạn top 4 ứng dụng phổ biến của công nghệ blockchain. Hy vọng bạn đọc đã hình dung rõ hơn về các ứng dụng gần gũi của blockchain đối với đời sống.
blockchaincông nghệ blockchainứng dụng blockchain
What do you think?